Các thông tin khác Vũ Văn Dũng

Tượng Quan Công (trái) và tượng Phật (phải) thờ ở chùa Phước Sơn (Tây Sơn) do tướng Võ Văn Dũng mang về từ Bắc Hà, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định).

Quê quán

Ngoài thông tin Vũ Văn Dũng quê ở Hải Dương[21] thì còn có thông tin khác như sau:

Võ Văn Dũng là người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn; nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Theo gia phả họ Võ do Võ Thừa Khuông, di duệ đời thứ 9, soạn trên cơ sở những tài liệu cũ, thì thủy tổ của họ Võ ở Phú Mỹ là Võ Văn Của, vốn quê gốc ở Nghệ An đến lập nghiệp tại thôn Phú Lộc (tên cũ của thôn Phú Mỹ) từ thế kỷ 17.

Đến thời thứ hai là Võ Văn Thọ, gia thế đã tương đối khá giả, nên ông này đã xuất tài lực tổ chức việc đắp đập Lộc Đổng và tham gia đắp nhiều đập khác dẫn nước vào đồng ruộng, mở mang kinh tế nông nghiệp, không chỉ cho Phú Mỹ mà còn cho cả nhiều làng xã khác trong vùng.

Đời thứ ba là Võ Văn Khanh. Ông là một người tài trí, có công huân với nhà nước, từng được phong tước nam. Võ Văn Khanh kết duyên cùng Nguyễn Thị Điểm, sinh hai nam là Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng. Gia cảnh ông Khanh tương đối khá giả với số ruộng đất 6 mẫu và một ngôi nhà gỗ 12 gian [22].

  • Theo sách Nhà Tây Sơn thì Võ Văn Dũng là con nhà giàu, được cha mẹ rước thầy về dạy văn dạy võ từ nhỏ đến lớn. Văn thì tối, còn võ thì dạy đâu nhớ đó, phải đổi thầy nhiều lần. Ðến 20 tuổi, ông theo người buôn ngựa vào Phú Yên, duyên may gặp được lão ông họ Lương ở Tuy Hoà, dạy cho môn trường kiếm và môn đoản đao. Theo lời thầy dặn, Võ dấu kín võ công, ngoài bạn cố giao là Nguyễn Nhạc, không ai biết Võ Văn Dũng thuộc hàng cao thủ [23]. Là bạn thân thiết với Nguyễn Nhạc, nên khi ông này cùng với hai em (Nguyễn Huệ & Nguyễn Lữ) phất cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn năm 1771, Võ Văn Dũng đến tham gia ngay từ buổi đầu.

Sau khi chuẩn bị xong, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc chia quân làm ba đạo, thì Võ Văn Dũng thuộc đạo thứ ba dưới quyền chỉ huy của Trần Quang Diệu. Theo sự phân công, Võ Văn Dũng cùng Cao Tắc Hựu dẫn quân đi đánh Bồng Sơn (thuộc thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nhưng chưa đánh đã lấy được. Sau đó, hai ông ở giữ huyện lỵ này và huyện lỵ Phù Ly mà tướng Diệu cũng vừa chiếm được.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế tại thành Quy Nhơn, phong Võ Văn Dũng làm Đại tư khấu. Vừa có tài vừa có chí, lại có nhiều công lao, ông nhanh chóng trở thành một tướng lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn, được người đương thời liệt là một trong Tây Sơn thất hổ tướng và là một trong Tứ kiệt[24].

  • Theo lời truyền khẩu của nhân dân Phú Mỹ và một vài sách khác (như Nhà Tây Sơn, Danh tướng Việt Nam) thì ông và Nguyễn Nhạc là đôi bạn thân và tuổi tác thì cũng xấp xỉ nhau. Nhưng theo TS. Đinh Văn Liên, thì Nguyễn Nhạc đáng vai chú, còn Nguyễn Huệ thì đáng vai anh ông. Cũng theo tác giả này, thì Võ Văn Dũng học văn và võ tại trường thầy giáo Trương Văn Hiến (tức đồng môn với ba anh em Tây Sơn), cho đến khi cha mẹ ông đều lần lượt qua đời, ông mới phải bỏ nhà đi kiếm sống. Làm tướng cướp một thời gian thì bất ngờ gặp Nguyễn Huệ. Nghe lời chiêu dụ, ông về đầu quân Tây Sơn [25].
  • Theo Địa chí Bình Định thì Võ Văn Dũng là người Phú Phong, và tổ tiên ông đến đấy lập nghiệp đã được mấy đời. Vốn là một người thông minh, có chí khí, lại được sống trong một gia đình khá giả, lại hay đi đây đi đó nên ông có điều kiện được học hành và có hiểu biết rộng. Đặc biệt, ông rất giỏi võ nghệ, một phần là sự kế thừa truyền thống thượng võ của quê hương, một phần chính là sự nỗ lực rèn luyện của bản thân, bao gồm đủ các môn cung, đao, kiếm...Là một người có tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, với họ tộc nên mặc dù là con thứ, Võ Văn Dũng vẫn được ông Võ Văn Khanh trao quyền thừa tự. Tại quê hương Phú Mỹ, Võ Văn Dũng đã lập gia đình và sinh được 6 người con gồm 4 trai và 2 gái [22].
  • Theo Quách Tấn (quê ở Tây Sơn) thì ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút, tướng Võ Văn Dũng cùng Nguyễn Huệ chỉ huy thủy quân, Trần Quang Diệu-Bùi Thị Xuân điều khiển bộ binh (Nhà Tây Sơn, tr. 97). Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác minh và cũng chưa tìm thấy ở tài liệu khác.

Bị vây bắt

Theo sử liệu, phần thì do đường đi hết đèo lại dốc, nhiều lam sơn chướng khí, rắn độc thú dữ; và phần thì bị những thổ ty theo Nguyễn như Hà Công Thái, Nguyễn Ðình Ba...đột kích nên khi đến Nghệ An đoàn tùy tùng của Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu chỉ còn ba bốn mà hầu hết đều bị sốt rét rừng. Trần Quang Diệu bị phù thũng, đi đứng rất khó khăn phải nằm trên cáng.

Đến Hương Sơn, lại bị hai tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Ðức Ðịnh dẫn quân đến đánh. Trở tay không kịp, quân Tây Sơn bị giết sạch. Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu cùng các bộ tướng là Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Ðiềm, Nguyễn Văn Miên, đều bị bắt.

Diễn Châu, Bùi nữ tướng hay tin, liền đem nữ binh đi giải cứu. Ðến Giáp Sơn thì giải cứu được. Nhưng chạy đến sông Thành Chương thì lại bị quân đối phương chận đánh. Vì yếu thế hơn, đoàn nữ binh lớp bị chết, lớp bị bắt, chỉ có Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chạy thoát. Song Trần Quang Diệu kiệt sức đi không nỗi nữa, và Bùi Thị Xuân vì phải lo bảo vệ chồng cũng không thể chống trả được, nên cả hai đều bị bắt. Chỉ mỗi mình Võ Văn Dũng chạy thoát, nhưng đến xã Ngọ Xá (Nông Cống, Thanh Hóa), thì ông bị Phạm Ngọc Phát, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra vây bắt lại[26].

Hậu duệ

Sử nhà Nguyễn chép rằng, ngày 2 tháng 11 năm 1802, Võ Văn Dũng bị giết cùng với nhiều tướng lĩnh Tây Sơn khác. Tuy nhiên, nhiều hậu duệ họ Võ[27] lại tin rằng ông đã chạy thoát được. Sau, ông quay về vùng An Khê (nay thuộc Gia Lai) sống ở đó cho đến năm 90 tuổi mới mất.

Năm 1907, con cháu Võ Văn Dũng đã đem hài cốt của ông (?) về cải táng tại quê nhà là làng Phú Phong[28].

Hiện nay, hàng năm đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu dòng tộc Võ lại tập trung tại Từ đường Võ Văn Dũng ở thôn Phú Mỹ để cùng làm lễ cúng tổ tiên và lễ giỗ cho ông.

Một số thông tin dân gian thì cho rằng sau khi Võ Văn Dũng và nhà Tân Sơn thất bại, con cháu họ Võ của ông bị nhà Nguyễn đày tới vùng biên giới Thất Sơn (An Giang), những người còn lại ở thì đổi sang họ Vũ rồi trốn ở Hải Dương, Hải Phòng... Các thế võ cổ truyền ở vùng Thất Sơn (Thất Sơn thần quyền) có mang dáng dấp của võ Tây Sơn có lẽ cũng do nguyên nhân này.